- Đông đảo nghệ sĩ tiễn biệt PGS - NS Ca Lê Thuần
- Rạng rỡ trên thảm đỏ Mai Vàng
Đông đảo nghệ sĩ tiễn biệt PGS - NS Ca Lê Thuần
Rạng rỡ trên thảm đỏ Mai Vàng
Đông đảo nghệ sĩ tiễn biệt PGS - NS Ca Lê Thuần
Rạng rỡ trên thảm đỏ Mai Vàng
Giữa tháng 11-2016, PGS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần phải nhập viện vì đột quỵ và được điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM). Sau gần 3 tháng được các thầy thuốc hết lòng cứu chữa nhưng do bệnh hiểm nghèo, thầy đã từ trần lúc 10 giờ ngày 20-1-2017, thọ 78 tuổi.
Cống hiến cả cuộc đời
Nghĩ về thầy, chúng ta nhớ đến một nghệ sĩ, người thầy tài hoa, tận tụy, có nhân cách cao đẹp, cả cuộc đời hy sinh cho cách mạng, cho nhân dân, cho học trò, không màng công danh phú quý; một tấm gương phấn đấu không mệt mỏi về nghề nghiệp. Với lòng say mê nghề cháy bỏng, thầy đã tự rèn luyện, tự học tập, cùng với tài năng thiên bẩm, thầy đã đạt đến đỉnh cao của nghề nghiệp. Một người thầy đáng kính, một nhạc sĩ tài hoa, vui tính, dí dỏm đã vĩnh viễn ra đi, để lại lòng kính yêu, sự ngưỡng mộ sâu sắc từ những thầy cô, các thế hệ sinh viên, giới nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu.
PGS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần lúc sinh thời Ảnh: THANH HIỆP
Thầy Ca Lê Thuần sinh ra trong một gia đình trí thức nhà giáo. Cha, mẹ, anh, em, vợ, con thầy đều là những người thành đạt, đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật và ngành giáo dục. Thầy sinh ngày 1-4-1938, tại xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
Thầy Ca Lê Thuần đến với âm nhạc rất sớm, năm 16 tuổi đã là diễn viên cải lương văn công. Năm 1954, thầy tập kết ra Bắc. Năm 1957, thầy theo học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 1959, thầy học sáng tác và lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Odessa (Liên Xô cũ).
Trở về nước năm 1964, thầy giảng dạy môn sáng tác và lý luận tại Trường Âm nhạc Việt Nam, góp phần xây dựng các chương trình, giáo trình các môn kiến thức âm nhạc cơ bản và chính quy, đồng thời tiếp tục sáng tác. Nổi bật là 12 bản prélude dành cho piano dựa trên cảm hứng nảy sinh từ những câu thơ, khai thác những âm hưởng trong âm nhạc dân gian Việt Nam, đặc biệt là chất dân ca Nam Bộ. Năm 1972, thầy trở lại Nhạc viện Odessa học tiếp, hoàn thành một số tác phẩm khí nhạc.
Sau ngày thống nhất đất nước, thầy trở về miền Nam công tác tại Nhạc viện TP HCM. Năm 1975, thầy Chủ nhiệm Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy (Trưởng khoa đầu tiên của khoa tại Nhạc viện TP HCM) rồi đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Nhạc viện TP HCM vào năm 1981.
Từ năm 1987 đến năm 1997, thầy là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Năm 1989, thầy là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM; Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV (1989-1995); Phó Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP HCM.
Năm 1997, thầy được bổ nhiệm Giám đốc Nhạc viện TP HCM cho đến khi nghỉ hưu năm 2000; từ năm 2001 là Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP HCM.
Người thầy của nhiều thế hệ
Thầy ra đi, để lại những sáng tác tiêu biểu: “Quê hương đồng khởi” (piano), “Những ngày đã qua” (violon và piano), 12 préludes và 8 fugnes cho piano, “Dáng đứng Việt Nam” (tranh giao hưởng), “Chủ đề và biến tấu cho piano”, “Tứ tấu đàn dây”, “Thành phố lên đường” (hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng), “Người con gái đất đỏ” (kịch múa), “Việt Nam tiếng hát trái tim ta” (hợp xướng), “Ánh sáng và bóng tối” (âm nhạc cho múa), “Concertino cho piano và dàn nhạc, Âm thanh đồng bằng” (tứ tấu đàn dây), “Giao hưởng thơ cung Rê thứ”, “Ngọc trai đỏ” (tổ khúc giao hưởng, kịch múa), các tác phẩm cho nhạc phim, kịch và cải lương...
Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, thầy Ca Lê Thuần đã được nhận nhiều giải thưởng về âm nhạc: Giải B của Hội Văn nghệ Giải phóng (1976), Giải A của Vụ Âm nhạc và Múa (1980), Giải nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1998), Huy chương vàng, bạc trong Liên hoan Kịch múa Việt Nam lần thứ nhất (2001)...
Thầy Ca Lê Thuần còn được trao tặng nhiều Huân, Huy chương của nhà nước về các cống hiến khác: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì; Huân chương Lao động hạng nhất; Huy chương Vì sự nghiệp nghệ thuật múa Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp văn học, nghệ thuật Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Chủ tịch UBND TP HCM...
Thầy thuộc lớp nghệ sĩ và cán bộ quản lý đầu tiên của Nhạc viện TP HCM. Thầy có nhiều đóng góp đặc biệt cho ngành, cho trường; đào tạo được nhiều thế hệ nghệ sĩ. Học trò của thầy phần lớn đều thành đạt, nhiều người sau này là nhạc sĩ hoặc nghệ sĩ nổi tiếng của đất nước. Thầy xứng đáng được nhận những phần thưởng cao quý của ngành và của nhà nước. Là một trí thức lớn, thầy thành công trong cả 4 lĩnh vực: Giảng dạy, sáng tác, nghiên cứu và quản lý; là một nhà giáo gương mẫu, có trách nhiệm và tận tụy với sự nghiệp đào tạo. Thầy giảng dạy nhiều thế hệ học sinh, sinh viên nhạc viện, là thầy của nhiều thế hệ thầy.
Học trò nén lòng tiếc thương
Kể từ nay, học trò sẽ không còn được nhìn thấy hình ảnh quen thuộc với mái tóc bạc dợn sóng đầy chất nghệ sĩ của thầy; không còn được đợi để nghe thầy giảng; không còn được đọc thêm những quyển sách, những dòng chữ của thầy; không còn được nghe những câu chuyện dí dỏm, những lời dặn dò tâm huyết của thầy. Nén lòng tiếc thương người thầy kính yêu Ca Lê Thuần, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ sẽ cố gắng học tập gương thầy, phấn đấu nhiều hơn nữa để nối tiếp sự nghiệp âm nhạc mà thầy đã tận tụy 60 năm để lại.
PGS-TS VĂN MINH HƯƠNG
Nguồn: nld.com.vn