Vở diễn được giới thiệu đến khán giả thủ đô vào ngày 27 và 28/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thầy Ba Đợi lấy cảm hứng từ cuộc đời, sự nghiệp gìn giữ nghệ thuật truyền thống của nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Ông là quan dạy nhạc của triều Nguyễn. Khi vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp đày sang châu Phi, Quang Đại lưu lạc ở Nam Kỳ. Tại đó, ông dạy nhạc Lễ - lối hát chỉ dùng trong cung đình - phát triển rộng rãi ra ngoài nhân dân, rồi cùng thế hệ học trò cải biên, sáng tác và hệ thống hóa để dần hình thành nên âm nhạc tài tử Nam bộ với cốt lõi 20 nhạc phẩm. Về sau đờn ca tài tử Nam bộ chuyển thành hình thức ca ra bộ (ca có động tác kèm theo) rồi đến nghệ thuật cải lương.
Vở diễn do Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ biên kịch, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu chỉ đạo nghệ thuật với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang như: Nghệ sĩ Nhân dân Vương Hà, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Đạt, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Vinh, NSƯT Quế Trân... Hồi tháng 4, Thầy Ba Đợi công diễn tại TP HCM và Long An.
Nghệ thuật cải lương Việt Nam định hình vào năm 1918. Hai năm sau, tên "cải lương" xuất hiện lần đầu trên bản hiệu gánh hát Tân Thịnh. Sân khấu cải lương gắn liền tên tuổi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nhiêu, Năm Châu... Trong giai đoạn những năm 1930, loại hình nghệ thuật này lan truyền ra ngoài Bắc. Một số tác phẩm cải lương nổi tiếng từng ghi dấu ấn như: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp, Hoa Mộc Lan, Tiếng hạc trong trăng...
Trọng Trường
Nguồn: giaitri.vnexpress.net