Gần 200 quan khách và đồng hương cùng hầu hết các nghệ sĩ cổ nhạc từ khắp nơi đã về tham dự như Phượng Liên, Phượng Mai, Bình Trang, Minh Hùng, Thanh Hiền, Vĩnh Khang, Tuấn Phong, Quốc Hải, Hữu Thọ, Thanh Vũ, Thành Thái, Huỳnh Hoa, Yến Trang, v.v.. Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm do Phạm Khanh điều hợp, ông Dũng Nguyễn, Hội Trưởng Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Hải Ngoại, đại diện ban tổ chức lên có lời chào mừng quan khách và các thân hữu. Ông Dũng Nguyễn nói, “Tôi không phải là nghệ sĩ nhưng vì tiếp nối việc làm của thân phụ tôi, người đã sáng lập ra Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Hải Ngoại này với hoài bảo là bảo tồn và phát huy văn hóa cổ truyền dân tộc tại xứ người, trong đó cụ thể nhất là bộ môn cải lương. Để hoàn thành ước nguyện của thân phụ, chúng tôi đã nhận trách nhiệm này và mong được sự thương mến của quý nghệ sĩ, thân hữu cùng quý đồng hương tiếp tay với chúng tôi thực hiện hoài bảo trên, và trong tinh thần đó, hôm nay chúng ta làm lễ tưởng niệm 100 ngày cố soạn giả Viễn Châu đã ra đi; chúng ta hãy dành phút lắng lòng tưởng nhớ người nghệ sĩ tài hoa đã hiến trọn cuộc đời cho nền cố nhạc Việt Nam.”
Thắp hương và cầu nguyện trước chân dung cố soạn giả Viễn Châu trong buổi tưởng niệm trưa Chủ Nhật, ngày 8 tháng 5, 2016. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Sau lời phát biểu của ông Hội Trưởng, MC Phạm Khanh mời ông Hội Trưởng Nguyễn Dũng Chinh và các thành viên Ban Chấp Hành gồm: giáo sư Trần Văn Chi, GS Nguyễn Thanh Giàu, soạn giả Yên Lang, soạn giả Trần Văn Hương, ký giả Nguyễn Thanh Huy và một số nghệ sĩ lên trước bàn thờ có chân dung cố soạn giả Viễn Châu thắp hương và cầu nguyện cho người nghệ sĩ này sớm siêu thoát.
Tiếp theo, nghệ sĩ Mai Chân tuyên đọc tiểu sử cố soạn giả Viễn Châu, ông có tên khai sinh là Huỳnh Trí Bá, sinh tại Trà Cú vào năm 1924 và theo cách gọi miền Nam gọi ông là Bảy Bá. Ông mê đờn ca cổ nhạc từ thuở nhỏ và chịu khó học hỏi với những đàn anh trong làng cổ nhạc như bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng,Văn Võ. Ngoài giọng ca thiên phú ông còn có khiếu viết văn, làm thơ và mới 15 tuổi ông đã tỏ ra xuất chúng về Đàn Tranh. Năm 1943 ông được đài phát thanh Saigon nhận vào hát cổ nhạc cho đài. Được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ cổ nhạc tên tuổi như Năm Châu, Trần Hữu Trang, Duy Lân … nên ông học hỏi được nhiều kinh nghiệm và bắt đầu sáng tác vở #cailuong# “Hồn Chiến Sĩ”, và từ đó tên tuổi Viễn Châu nổi như cồn, ông tiếp tục sáng tác nhiều vở cải lương khác như “Nát Cánh Hoa Rừng, Tình Mẫu Tử, Chuyện Tình Hàn Mặc Tử, Ai Điên Ai Tỉnh v.v.. được thâu vào dĩa nhựa và dân miền Nam rất ái mộ.
Trong suốt cuộc đời gắn bó với nền cổ nhạc, soạn giả Viễn Châu đã để lại cho đời hai ngàn bản vọng cổ nói lên nhiều khía cạnh như chống thực dân Pháp, ca ngợi thi sĩ Hàn Mặc Tử và nhiều bài vọng cổ ca ngợi quê hương đất nước, tưởng nhớ người xưa cùng những bài vọng cổ châm biếm, hài hước được nhiều người thuộc nằm lòng..
Sau phần tiểu sử, soạn giả Yên Lang lên trình bày một số kỷ niệm của ông với cố soạn gỉa Viễn Châu. Kế tiếp, GS Trần Văn Chi có bài phát biểu rất công phu, nhiều chi tiết về cuộc đời và con người soạn giả Viễn Châu mà từ trước đến nay ít người được biết, GS Trần Văn Chi gọi cố soạn giả Viễn Châu là một nhà văn hóa lớn của Việt Nam.
Chương trình bước sang phần trình diễn một số trích đoạn cải lương và ca vọng cổ của các ca, nhạc sĩ cổ nhạc như Chí Tâm, Phượng Liên, Hương Huyền, Ngọc Đáng được mọi người nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng. Sau cùng, liên khúc “Nhớ Ơn Thầy” được các nghệ sĩ cùng trình diễn đã kết thúc buổi Tưởng Niệm cố soạn giả Viễn Châu, một bậc Thầy trong nền cổ nhạc Việt Nam đã ra đi.
Nguồn: sankhaucailuong.com