Bà tên thật là Võ Hiếu Nghĩa, sinh năm 1946 tại Cần Thơ. Bà sống tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM gần 12 năm. So với các nghệ sĩ tại mái nhà chung này, bà ít tuổi nên vẫn xem là em út. Mười ba tuổi, bà đã theo gánh hát, từ miền đất Cần Thơ phiêu bạt đến Sài Gòn lập nghiệp. Cách đây không lâu, bà bị té khiến căn bệnh tai biến càng thêm trầm trọng. Bà được người thân đưa vào điều trị tại Khu điều dưỡng quận 8, TP HCM. Dù được đội ngũ y bác sĩ giỏi tại đây tận tình chăm sóc nhưng do tuổi cao, sức đề kháng yếu, lại không ăn uống nên đã trút hơi thở cuối cùng lúc 13 giờ 45 phút ngày 11-3.
NS Mộng Lành trên sân khấu Minh Tơ
Bà theo Đoàn hát bội Minh Tơ học hát từ các nghệ sĩ đàn anh đi trước. Những vai diễn đầu tiên được thầy Minh Tơ giao là vai tỳ nữ, không có lời thoại, rồi sau đó được chọn làm diễn viên cải lương dự bị phòng khi diễn viên chính đau ốm. "Từng bước phấn đấu để được đứng lên sân khấu với vị trí đào chánh là những gì mà NS Mộng Lành đã quyết tâm, để đến một ngày, chị thật sự nổi tiếng với nhiều vai diễn hay, được công chúng yêu mến" – NS Bo Bo Hoàng nói.
NS Hà Mỹ Xuân đến thăm NS Mộng Lành
Vào những năm 1960, khi phim ảnh và tuồng Hồ Quảng du nhập từ Đài Loan, Quảng Đông của Trung Quốc vào Sài Gòn, đây là thời kỳ khó khăn của các gánh hát bội Minh Tơ.
Để có chỗ đứng và chào đón khán giả, các nghệ sĩ trong đoàn đã đưa nghệ thuật cải lương chen vào hát bội, kèm theo những điệu nhạc Hồ Quảng của phim để thu hút khán giả.
Nghệ sĩ Mộng Lành thời đó đã được khán giả biết đến và yêu quý. Sau năm 1975, đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ chính thức thành lập.
Nghệ sĩ Mộng Lành và một số nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ như: Thanh Thế, Bạch Lê, Xuân Yến, Thanh Tòng, Bo Bo Hoàng…đã được khán giả yêu thích qua nhiều vở tuồng cổ được viết dựa theo lịch sử Việt Nam.
Bà được khán giả yêu thích với vai diễn phản diện: Hàn Tố Mai trong vở "Đào Tam Xuân loạn trào" và vai võ tướng Phàn Lê Huê trong vở "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ"…Trong cuộc sống đời riêng, bà lập gia đình nhưng chồng mất sớm, bà không có con, chỉ nhận con của một người bạn thân làm con nuôi.
Được sự chăm sóc tận tình của bà Bảy – người bạn thân chí cốt, nghệ sĩ Mộng Lành đã ba lần vượt qua căn bệnh tai biến. Tình chị em sống trong sự đùm bọc, yêu thương đã bù đắp nỗi cô đơn trong những năm tháng NS Mộng Lành rời xa sân khấu.
Các cô đào trên sân khấu cải lương tuồng cổ: Thanh Loan, Ngọc Đáng, Xuân Yến, Thanh Thế, Mộng Lành, Bạch Mai
"Năm 2006, sau cơn tai biến từ bệnh viện trở về, hai người bạn già dắt dìu nhau che chiếc bạt nhỏ nơi góc vỉa hè, chỗ căn nhà ngày xưa mà bà Bảy đã sống để trú nắng mưa. Cả hai mưu sinh bằng nghề bán vé số. Đầu năm 2007, nghệ sĩ Mộng Lành được vào Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM sống những năm tháng tuổi già còn lại. Bà Bảy cũng được người cháu họ đưa về nhà chăm sóc. Ngẫm lại cuộc đời nghệ sĩ từ khi theo nghề hát đến khi qua đời, nghệ danh Mộng Lành hoàn toàn trái ngược với số phận buồn nhiều hơn vui của bà. Vĩnh biệt cô đào chánh của Đoàn Minh Tơ" – soạn giả Đức Hiền xúc động kể.
NSND Bạch Tuyết thăm NS Mộng Lành tại Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM
Tang lễ nghệ sĩ Mộng Lành được tổ chức tại Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM. Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 14-3, sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Đa Phước.
NSƯT Mỹ Châu ghé thăm NS Mộng Lành, Thiên Kim, Ngọc Đáng, Mỵ Lan tại Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM
Bài và ảnh: Thanh Hiệp