Điều đặc biệt là các nghệ sỹ vốn không chuyên- xuất thân từ những người lao động bình thường. Họ là dược sỹ, y sỹ, kế toán, thợ may, kỹ sư…mang trái tim yêu mến văn hóa nghệ thuật cổ truyền đã dành thời gian theo học lớp ca diễn
cải lương và làm nên 10 tiết mục biểu diễn đặc sắc.
Nhờ sự dìu dắt của các bậc thầy nhiều kinh nghiệm trong nghệ thuật ca diễn như Nghệ sỹ ưu tú Ngọc Dung, nghệ sỹ Thanh Lựu, nghệ sỹ Trương Hoàng Long, các nhạc sỹ như Thời Đức, Hữu Chơn, Thanh Dũng…cộng thêm khả năng luyện tập vốn có, các nghệ sỹ chúng ta đã tỏa sáng qua các tác phẩm kinh điển: Đời Cô Lựu, Tìm lại cuộc đời, Nửa đời hương phấn, Người cáo, Duyên kiếp, Nàng Xê-đa, Một phút một thời, Lữ Bố hý Điêu Thuyền, Trần Quốc Toản ra quân.
Với 23 học viên gồm có: Trung Tín, Thy Nga, Như Ý, Nguyễn Mười, Tú Quyên, Quang Bảo, Yến Nhi, Thanh Tùng, Hoàng Nhân, Trung Khuyên, bé Thy Thy, Ngọc Diễm, Hoài Anh, Minh Tú, Phương Linh, Thúy Hằng, Thanh Thủy, Phương Thủy, Kiều Thanh, Long Hồ, Hoàng Sang, Như Nguyệt và Phương Ngân đã khổ luyện sau 3 tháng và rất thỏa lòng khi được hóa thân thành những Cô Lựu, Minh Thành, Minh Luân, Hội đồng Thăng, Bà Hai Hương, Đại úy Huy Bình, Lữ Bố, Điêu Thuyền, Trần Hưng Đạo, Cô Diệu, Cô The…
Ngồi dưới hàng ghế khán giả, tôi cùng nghệ sỹ XUÂN LAN (cựu nghệ sỹ trên Đoàn Thanh Minh-
Thanh Nga thuở nào) vừa xem vừa khen vì không ngờ có nhiều bạn ca diễn rất tốt. Tôi đã thấy được nước mắt của vài khán giả ngồi gần tôi vì quá xúc động khi xem đoạn Võ Minh Luân gặp cha ruột của mình sau 18 năm trời bị đày ra Côn Đảo. Phải nói các tác phẩm của những soạn giả như Trần Hữu Trang, Hoàng Khâm, Hà Triều, Hoa Phượng, Hoàng Song Việt, Thể Hà Vân, Mộc Quán, Lê Duy Hạnh…đều có tính nhân văn và tính giáo dục rất cao.
Tôi nhớ lại một bài thơ do cụ Đặng Thúc Liêng (một trong số 200 chí sỹ phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu lãnh đạo) đã bày tỏ nỗi lòng của mình về sân khấu cải lương thời sơ khai. Số là, sau khi Pháp thắng Đức nên chánh phủ Pháp yêu cầu tướng toàn quyền các nước thuộc địa cho trí thức giả Việt Nam diễn văn nghệ quyên trái mang tiền về giúp nước Pháp phục hồi kinh tế. Toàn quyền Albert Pierre Sarraut (1872-1962) đã cho phép nhóm trí thức Việt Nam như Hồ Biểu Chánh, Trương Duy Toản dựng vở cải lương GIA LONG TẨU QUỐC PHÁP-VIỆT NHỨT GIA diễn vào ngày 16/11/1918 tại nhà hát Catinat (Nhà hát thành phố ngày nay). Sau một năm, đúng vào ngày 16/11/1919, cụ Đặng Thúc Liêng đi ngang qua nhà hát thấy vắng tanh nên lòng buồn mà cảm tác:
QUÁ SÀI GÒN HÝ VIỆN CẢM TÁC
Năm ngoái đêm này rạp hát Tây,
Đêm nay hiu quạnh nghĩ buồn thay.
Bổn tuồng Pháp-Việt còn roi dấu,
Bạn kép cầm ca đã lạc bầy.
Việc cũ khiến nên nhiều sự lạ,
Lòng thành còn đó mấy ai hay.
Xin đừng bỡn trợn chào những cũ,
Mở mắt nghìn thu cuộc hát này.
(Tư liệu trong sách NĂM MƯƠI NĂM MÊ HÁT CẢI LƯƠNG-Vương Hồng Sển)
Nỗi niềm của cụ Đặng Thúc Liêng đã cho ta thấy rõ ràng cơ hội quy tụ trí thức giả Việt Nam dựng sân khấu tuồng cải lương đầu tiên tại một nhà hát Tây hoành tráng là cơ hội nói lên tinh thần yêu nước, nói lên tiếng thủy chung và còn nhiều giá trị khác mà các tác giả sau này đã tạo nên biết bao tác phẩm để đời như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng Trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu, Đoạn Tuyệt…
Nghệ thuật sân khấu cải lương trải qua ngót trăm năm, nay tưởng chừng như bị lão hóa tựa đời người, tưởng chừng bị mai một sắp mất đi rồi! Không ngờ, hôm nay tôi thấy nó sống lại, sống vẻ vang trong mỗi trái tim của các kỹ sư, thợ may, dược sỹ, y tá…Phải, cải lương là một phần “máu thịt tinh thần” vốn sinh ra trong lòng dân tộc, hòa vào dòng chảy nhân sinh để chia vui-sẻ buồn suốt ngần ấy trăm năm thì làm sao mà mất được! Quý ở chỗ là những người lao động bình thường biết giữ ngọn lửa tinh thần nghệ thuật một cách vững chắc mặc dù cách ca diễn của họ không thể sánh như các nghệ sỹ chuyên nghiệp nhưng tính “mộc mạc” của họ đã làm chúng tôi thấy nghệ thuật rất thật, rất dễ gần và dễ lôi cuốn những ai muốn tham gia học ca diễn.
Tôi biết em Nguyễn Long Hồ là nhân viên khách sạn 5 sao ở đường Đồng Khởi (Q.1-TPHCM), ngoài đời em rất hiền hòa và sống rất chân thành. Nhưng khi Long Hồ hóa thân vào vai Định (tác phẩm Nửa đời hương phấn) khiến tôi bỗng dưng “khinh ghét” cái phong cách sở khanh, ánh mắt lừa đảo và ngán ngẫm trò đời trong tác phẩm. Khi diễn xong, bước ra chào khán giả thì Long Hồ trở về với chất đời rất thân thiện và đôn hậu khiến tôi vô cùng khâm phục. Còn Lý Trung Tín, em vốn là kỹ sư công nghệ thông tin, em vào vai Lữ Bố trong Lữ Bố hý Điêu Thuyền. May mắn cho em là vào vai này vì vũ đạo vừa đủ cho em tròn vai diễn, không quá khó và khuôn mẫu như vai Triệu Tử Long trong Lưu Bị cầu hôn Giang Tả, bởi khi “máu dê” nổi lên trong con người Lữ Bố thì khó kiềm chế tâm lý và Lý Trung Tín đã thể hiện tính chất vừa vui vừa rất tâm lý và điệu nghệ. Chị Nguyễn Mười là giáo viên nhưng chị có nét thanh gầy và khắc khổ, chất giọng “lão xưa” vào vai Bà Hai Hương trong Đời Cô Lựu khiến nghệ sỹ Xuân Lan khen mãi: Cô này ca nghe cảm xúc quá, âm vực rất rõ ràng!
Chương trình gồm 10 tác phẩm trôi qua trong vài tiếng đồng hồ, hình ảnh người phụ nữ bất hạnh của cô Lựu (Như Nguyệt), tiếng thét đau lòng xin cha mẹ tha tội của cô The (Phương Linh), tiếng gọi trái tim yêu nghề sân khấu tha thiết của
diễn viên cải lương người cáo (
Thanh Ngân), tiếng thở than cho số phận bạc bẽo mà Hương (Thanh Thủy) gánh chịu (Tìm lại cuộc đời), sự tuyệt vọng của nàng Xê-đa (Ngọc Diễm), sự đấu tranh vượt lên tội lỗi mà cơn nghiện ma túy hoành hành của cô gái trẻ Út Hiếu (Minh Tú) cố chịu đựng, nỗi khổ đau ghen hờn của cảnh chồng chung đã gây ra biết bao oan nghiệt mà những người vợ như Mợ Hai (Kim Thanh), Huệ (vợ thứ: Phương Ngân) đắng cay nếm trải …và cuối cùng, một cô gái đẹp như Điêu Thuyền (Tú Quyên) cũng bị đẩy vào cuộc hôn nhân đầy toan tính…tất cả hầu như đều nói về nỗi khổ đau của những người phụ nữ và sự cảm thông sâu sắc đầy tính nhân văn đối với họ. Nếu như các tác phẩm chương hồi của Trung Quốc tôn vinh các anh hùng hảo hán, hoặc các anh thư nữ kiệt như Chung Vô Diệm, Phàn Lê Huê, Mạnh Lê Quân…thì các tác phẩm sân khấu cải lương Việt Nam lại khắc họa rất rõ những khổ đau, những nỗi niềm, những khát khao về cuộc sống chân-thiện-mỹ trong trái tim con người phụ nữ Việt Nam đầy giá trị thủy chung, nhân hậu và đảm đang.
Sân khấu khép lại với những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả và những nụ cười trên môi của các diễn viên thân yêu. Các bậc thầy như
đạo diễn cải lương Trần
Ngọc Giàu (GĐ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), ông Nguyễn Văn Hồng (PGĐ nhà hát Trần Hữu Trang) đã dành những lời khen ngợi, động viên và lời khuyên cho thế hệ trẻ hãy tiếp lửa nối truyền để sân khấu cải lương luôn sáng đèn, luôn sống mãi. Sân khấu cải lương luôn là niềm tự hào của tất cả chúng ta!
Sân khấu cải lương được sinh ra trong lòng dân tộc, là máu là xương là linh hồn văn hóa của một miền Nam –Việt Nam! Cảm ơn các thầy cô, ban lãnh đạo nhà hát Trần Hữu Trang, các nghệ sỹ của chúng ta đã dầy công thắp lửa sân khấu thêm ấm áp và đầy lan tỏa.
Xin kính chúc quý vị lời chúc sức khỏe, vạn sự như ý và an khương thường lạc,
Trân trọng,
Đại diện CLB NGHIÊN CỨU VÀ VINH DANH VĂN HÓA NAM BỘ
Hồ Nhựt Quang
Lúc 17:30 ngày 11/12/2016 Sài Gòn-TPHCM
Nguồn: sankhaucailuong.com