video cải lươngid_2480" type="VideoStream" videoexternalid="undefined" videoid="2480">
NSND Bạch Tuyết cover Em gái mưa phiên bản vọng cổ
* Bài ca cổ dựa trên ca khúc hit "Em gái mưa" của Hương Tràm vừa được tung ra có lẽ nằm ngoài dự đoán của nhiều người, dù bà luôn có sáng tạo gây chú ý và tạo dấu ấn. Bà được giới thiệu về ca khúc trẻ này chăng?
- Không, tự tôi biết đấy.
Tôi thường xuyên cập nhật nhạc trẻ, từ the Voice VN đến thế giới. Tôi biết Noo Phước Thịnh, Hương Tràm…
Lần đầu nghe Em gái mưa, tôi đã thấy thích. Tôi thích một số bài nữa,nhưng mà có lẽ là có duyên với bài này.
Bài viết cho đại chúng nhưng không thô, ca từ rất trẻ trung và hấp dẫn. Rồi tôi nghĩ sao mình không làm bản cải lương mà 85% là từ lời bài hát để cải lương việt nam mang hơi thở gần gũi với bạn trẻ.
Tôi có nhóm trẻ cùng làm việc như đi hát, làm từ thiện và nhiều việc nữa. Khi tôi vừa nói, các bạn khuyến khích bảo tôi làm ngay. Bắt tay viết, tôi chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ để hoàn thành!
* Khi nghe bản cải lương "Em gái mưa", có thể thấy những bài bản cải lương lớn được đặt để trong đó. Phải có sự chuẩn bị mới đưa được những bài bản phù hợp như thế. Vì sao bà không làm theo kiểu tân cổ giao duyên?
- Tôi muốn có sự khác biệt. Trước khi viết,tôi nghe, mường tượng câu chuyện và nghĩ đến đặt để bài bản nào vào đó.
Ngày xưa,khi má bảy Phùng Há tập cho tôi vai cô Lựu trong vở Đời cô Lựu, má dạy tôi nhấn chữ "Mình ơi!". Má biểu phải nói để người ta cảm động. Tôi nghe lời, cả khán phòng lặng đi vì xúc động chỉ vì chữ "Mình ơi!" đứt ruột, đứt gan.
Đặt cái gì phải trúng, phải phù hợp mới hay. Đoạn đầu của bài Em gái mưa, tôi đặt bài thể hiện hình ảnh cô gái trẻ khi bước vào cảm giác yêu, bài Nặng tình xưa. Câu "Mình hợp nhau đến như vậy…" là mở đầu bài bản đó, lấy nguyên câu bên bài Em gái mưa mà vừa in.
Đến đoạn tiếp theo, tôi dùng một bài bản Tổ, là một trong những bài Oán lớn của cải lương, lớp Xế xảng sử dụng thể hiện tâm trạng không còn trông cậy bất cứ ai, vừa thảng thốt vừa buồn bã tột cùng.
Đoạn đó nói lên nỗi lòng cô gái khi cảm thấy mình bị mất tình yêu. Nghĩ kỹ rồi nên bắt tay viết, tôi viết nhanh lắm.
NSND Bạch Tuyết (phải) và Ngọc Huyền - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Với sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, bà có cảm thấy bất ngờ?
- Bài đăng lên mấy ngày mà nhận được mấy chục ngàn lượt like, toàn người trẻ, tôi xúc động lắm.
Đây là lần đầu tiên tôi làm điều này như một sự thể nghiệm. Tôi xem đây là cách giao lưu với các bạn trẻ thời đại mới.
Sự đón nhận của các bạn trẻ cho thấy rằng cải lương có hấp lực đặc biệt, chỉ có điều mình học và mình làm như thế nào thôi.
Quan trọng nội dung là cái gì, rồi cách mình sắp đặt bài ca như thế nào để cho tình huống và âm nhạc cải lương hòa quyện vào với nhau, đánh trúng vào tâm lý người nghe.
* Là tên tuổi lớn của làng cải lương, khi quyết định tung ra sản phẩm mới và quá đặc biệt này, bà có bị áp lực sợ sẽ không được đón nhận?
- Tôi đã ở vào tuổi thất thập cổ lại hi, lúc nào cũng chỉ tin mình sống có một tiếng nữa thôi, thành thử tôi thích gì cứ làm nấy. Tôi đâu chịu ngồi một chỗ,mà cứ thôi thúc làm cái này cái kia.
Cuộc sống vốn nhiều mệt mỏi rồi, nếu có chuyện gì đó làm mình vui mà mọi người cùng vui sao hổng làm?
Không dám nói trước việc gì, nhưng tôi và nhóm bạn trẻ của tôi cảm thấy việc gì vừa vui, vừa hữu ích thì chúng tôi sẽ bắt tay làm thôi!
* Bạch Tuyết trên sống truyền hình và ngoài đời đều có thần thái rất tốt, tươi tắn và không ai nghĩ bà đã ngoài 70.
Những lần đi từ thiện, dù đi bộ mấy cây số vào điểm cứu trợ bà luôn đi trước và không hề tỏ ra mệt mỏi. Bí quyết của bà là gì?
- Tôi nhờ đạo Phật và bốn mươi mấy năm nay tôi nhờ thiền. Mấy mươi năm trước theo thiền, tôi có ngờ hữu dụng vậy đâu.
Hồi đó thấy người ta tập yoga thì mình cũng tập, theo xu thế thôi. Nhưng tới giờ, chừng 20 năm trở lại đây tôi mới thấy nếu hồi đó không ham vui làm theo người ta chắc bây giờ mình bệ rạc lắm rồi. Nếu không có thiền, tới giờ này chắc tôi cũng phải nhờ tới thẩm mỹ rồi.
Thiền không phải tu mà là cách cho đổi tuần hoàn của hơi thở. Cha sanh mẹ đẻ chúng ta ra thở bình thường. Bạn thở tự nhiên cho đến 40 tuổi thì lực của mình không đẩy ra hết được chất dơ, hít vào thì không đủ lượng oxy.
Thiền là kỹ thuật cho mình làm lại tuần hoàn thở, vậy thôi. Chẳng hạn, một cái cống trống rỗng thì đổ bao nhiêu nước sẽ đi hết. Còn khi nó nghẹt lại thì rác rưởi, chất thải làm xông lên một lượng khí, mình khỏe hay mệt là do khí đó.